Nhiếp ảnh: Hiện tại, quá khứ và tương lai
14:06 |
Ảnh là một công cụ đầy quyền lực của thông tin và giao tiếp, cho dù hiện tại nó đang có nguy cơ bị tiếm ngôi bởi video. Máy ảnh với người chụp ảnh giống như chiếc máy chữ của nhà văn. Anh có thể dùng nó để gõ tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn, hồi ký hay bất cứ cái gì từ thô thiển đến tinh tế anh muốn.
Nhưng đối lập với chiếc máy chữ cổ kính, nhiếp ảnh bị thúc đẩy bởi công nghệ, đó là điều đã, đang và sẽ luôn hiện diện trong từng giây phút tôi ngắm nhìn qua chiếc ống kính máy ảnh của mình. Nếu như hội họa, điêu khắc hay một số ngành nghệ thuật khác xoay quanh những người nghệ sĩ, nhiếp ảnh được sinh ra dựa trên những cỗ máy. Vật lý, quang học, hóa học… và giờ là điện tử công nghệ cao. Vào thời điểm hiện tại, nhiếp ảnh đã được công nhận là một trong những bộ môn nghệ thuật của nhân loại và hơn cả thế, một loại hình thị giác có tác động lớn đến cảm xúc và ký ức của tôi và bạn. Nhưng chẳng ai biết tương lai của nhiếp ảnh là gì với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, những con chip xử lý ảnh thông minh hơn, những cảm biến có khả năng đạt đến sức mạnh của đôi mắt con người. Nó thay đổi quá nhanh trước khi ta kịp nhận ra.
Sinh ra từ máy móc, liệu ảnh có chết vì máy móc?
Một trong những bức Daguerreotype đầu tiên có con người ở trong ảnh. Chụp năm 1838 bởi Daguerre.
Khi Daguerre đưa đến với thế giới phương pháp chụp hình dương bản Dage (Daguerreotype) năm 1839, nó thay đổi cách giới nghệ sĩ nhìn nhận về nghệ thuật. Nhiếp ảnh giống như phong trào nghệ thuật Ấn tượng, tập trung vào khai thác tư liệu thế giới thật và những gì thật bằng xương thịt hơn là những hình ảnh vị giác mang tính biểu tượng. Vào thời điểm khai sinh, nhiếp ảnh được đón nhận bằng nhiều luồng ý kiến: tích cực và tiêu cực – thậm chí là bị những người theo đuổi nghệ thuật cực đoan bài xích một cách không thương tiếc. Nhà phê bình nghệ thuật Charles Baudelaire (1821-1867) đã từng nhận xét rằng, “Nhiếp ảnh là cứu rỗi của những tay họa sĩ bất tài vô dụng. Nếu cho phép sử dụng việc chụp ảnh trong các lĩnh vực nghệ thuật khác sẽ khiến các nghệ sĩ trở nên hư hỏng.”
Tranh cãi là vô ích. Có những góc nhìn chỉ có thể thay đổi sau vài chục hay vài trăm năm theo sự phát triển của thời gian. Khi đó, họ chỉ đơn giản nghĩ rằng chụp ảnh là một quá trình cơ khí hóa đơn giản của máy móc mà không đòi hỏi bất cứ tài năng, kinh nghiệm, thẩm mỹ gì của người chụp, rằng mọi thứ đã có sẵn tất cả ở đó và chỉ cần bấm nút chụp là xong. Mỉa mai là cho đến ngày nay cũng chẳng thiếu người nghĩ vậy khi cho rằng một chiếc máy ảnh xịn sẽ mang lại ảnh đẹp, và ngược lại.
Một trong những tấm ảnh màu đầu tiên trong lịch sử của Albert Kahn.
Bất chấp những xung đột, nhiếp ảnh vẫn phát triển mạnh mẽ như một guồng quay không thể đảo hồi của bánh xe lịch sử, mang đến một mối quan hệ mới mẻ giữa hiện thực và biểu hiện của nó, không chỉ còn là công cụ của hội họa, điêu khắc. Lúc đầu ảnh được các họa sĩ dùng khá phổ biến để chụp cảnh ngoài trời để họ sau đó có thể vẽ trong studio một cách thong thả hơn – mà đàng hoàng tiến lên một bộ môn nghệ thuật độc lập. Nhiếp ảnh kiến tạo lịch sử và trở thành một phần không tách rời của lịch sử hiện đại.
Nếu xét từ góc nhìn của những người dùng đại chúng, nhiếp ảnh đã vượt quá ý nghĩa và nhiệm vụ khởi đầu của chính mình. Chân dung không chỉ còn đặc quyền của tầng lớp thượng lưu, giàu có mà trở thành một nhu cầu thiết yếu, bình thường như cơm ăn áo mặc, dù là mua máy ảnh về tự chụp hay bỏ tiền thuê các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Đặc biệt là sau sự ra mắt của máy ảnh phim cầm tay.
Năm 1888, Kodak Eastman ra mắt “The Kodak” – một chiếc hộp chữ nhật nhỏ dài khoảng 15cm, cao 10 cm có giá 25$ – quy đổi giá tiền ngày nay thì không đắt hơn một chiếc Ipad đời cuối là mấy. Một sản phẩm hoàn toàn thích hợp cho giới trung lưu – trái ngược với những chiếc máy ảnh khổ to cần sự hiểu biết phức tạp của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lúc đó. Chiếc máy “The Kodak” mang lại một sự đơn giản tuyệt đối với phương châm: “Bạn bấm nút và để chúng tôi lo phần còn lại”. Mỗi chiếc máy được gắn sẵn 100 tấm phim, người dùng sau khi chụp hết phim thì gửi về xưởng máy của Kodak ở Rochester, New York. Tại đây 100 tấm phim được tráng rửa, ảnh thành phẩm và máy kèm 100 tấm phim mới được gửi lại cho người dùng. Một vòng quay bất tận nhờ dịch vụ tốt đến bất ngờ của Kodak.
Như được giải phóng khỏi sự kìm kẹp của những bức ảnh trong studio mà đôi khi phải ngồi bất động hàng phút, con người chụp ảnh ở khắp mọi nơi. Họ chụp những khoảnh khắc đời thường như mình lái xe đạp, nhảy giữa sóng biển dưới ánh nắng mặt trời, chụp bọn trẻ con nô đùa cạnh thú cưng. Họ chụp những khoảnh khắc chỉ xảy ra một lần như mèo nhảy lên vồ chim, tai nạn xe lửa. Họ chụp những trò nghịch ngợm vui đùa và chộp những tấm ảnh snapshot không mang nhiều ý nghĩa: chổng mông vào máy ảnh, giả vờ vắt sữa bò, khoét lỗ trên báo để chui đầu qua… Và tất nhiên không thể thiếu những tấm ảnh tự sướng đầu tiên của nhân loại: chụp bản thân mình qua gương.
Năm 1900, Kodak lại ra tiếp chiếc máy Brownie cho trẻ em với giá chỉ có 1$! Nó được quảng cáo và bán chạy đến mức chỉ vài năm sau, cứ ba hộ gia đình Mỹ thì một nhà sẽ có Brownie. Những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp (với những chiếc máy khổ lớn to bản) chỉ trích Kodak làm ô uế nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh gia nghệ thuật Alfred Stieglitz – cha đẻ của nhiếp ảnh hiện đại đã phải thốt lên mong cho cái mốt nhiếp ảnh thời thường này mau lụi tàn để ông còn làm việc tiếp. Nhưng Stieglitz đã nhầm, ảnh không bao giờ chết. Và câu nói của ông cũng thể áp dụng đến mãi sau này. Nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, từ máy này sang máy mà thôi. Từ máy ảnh khổ lớn sang máy phim cầm tay, từ máy phim cầm tay sang máy kỹ thuật số, và giờ là từ máy kỹ thuật số sang smartphone. Vậy thì có thật là do máy móc?
Ảnh chưa qua chỉnh sửa của chiếc Smartphone LG G4.
Đương nhiên ở thị trường chuyên nghiệp và cao cấp, máy ảnh hầu như không bị ảnh hưởng mấy bởi cơn bão smartphone, nhưng ở phân khúc bình dân, chỉ trong vòng tám năm từ 2006 đến 2014, doanh thu máy ảnh kỹ thuật số compact rẻ tiền đã giảm gần 2/3 khi phần lớn người dùng bình dân chuyển sang mua điện thoại để chụp ảnh đời sống bình thường và du lịch.
Theo thống kê vào tháng Bảy, 2014 Facebook có 1.317 tỉ người dùng thường xuyên, hàng ngày tải lên hơn 350 triệu bức ảnh (14.58 triệu ảnh một giờ hay 243 nghìn ảnh một phút). Vào thời điểm năm 2013 đã có hơn 250 tỷ bức ảnh trên máy chủ của Facebook. Dù biết rõ rằng chúng ta chụp ảnh nhiều như thế nào nhưng con số trên vẫn khá sốc với tôi vào hai năm trước. Thế giới thay đổi khá nhiều trong mười, hai mươi, ba mươi hay bốn mươi năm nhưng nếu xét về mặt công nghệ, bốn mươi năm công nghệ dường như dài cả thiên niên kỷ. Từng bước từng bước điện thoại di động thâm nhập một cách sâu rộng vào đời sống con người, nhất là sau sự ra đời của Iphone. Năm 2008, một loạt các ông lớn như LG, Motorola, Sony, Google… cũng bắt đầu phát triển tiềm năng rộng lớn của thị trường Smartphone. Theo thống kê ở thời điểm hiện tại có khoảng hai tỷ người dùng Smartphone trên toàn thế giới – và một trong những yếu tố đánh vào thị hiếu của khán giả mà các hãng điện thoại cực kỳ quan tâm (kể cả phát triển công nghệ và quảng cáo) đó là chức năng chụp ảnh của Smartphone.
Chiếc máy điện thoại di động đầu tiên của thế giới, DynaTAC trong tay phó chủ tịch tập đoàn Motorola John F. Mitchell năm 1973. DynaTAC nặng 1,2kg và dài 22,8cm. Mười tiếng sạc đủ pin để nói chuyện trong 30 phút.
Tại sao những người dùng đại chúng lại cực kỳ quan tâm đến chức năng chụp ảnh của Smartphone?
1. Xu hướng hội tụ nhiều tính năng trên một thiết bị điện tử. Smartphone bây giờ là sách, máy tính, máy ảnh, sổ tay, máy nghe nhạc… trong một.
2. Sự nhỏ gọn và linh động trên đường của điện thoại.
3. Không phải ai cũng phân biệt được sự khác nhau về chất lượng giữa ảnh chụp bằng máy ảnh và điện thoại, nhất là khi giờ người ta chủ yếu nhìn ảnh trên một chiếc màn hình to 5″ chứ không phải trên máy tính hay in ra!
4. Ảnh chụp từ điện thoại đang dần được chấp nhận nhiều hơn trên các loại hình xuất bản, báo chí, tin tức. Trừ những phóng viên ảnh chuyên nghiệp thì không phải ai cũng mang theo máy ảnh bên cạnh mình mọi lúc mọi nơi, nhưng điện thoại thì tôi dám chắc không bao giờ thiếu. Đó chính là tóm gọn của báo chí ngày nay: tin tức khắp nơi và tốc độ tức thời – hai thế mạnh lớn nhất của điện thoại.
5. Ngày càng nhiều app phục vụ cho việc chụp và chỉnh ảnh trên điện thoại trở nên siêu dễ dàng. VSCO Cam, Instagram, Snapseed, Faded, Afterlight, Hipstamatic… Không chỉ dành riêng cho ảnh tự sướng mà nhiều app với khả năng tinh chỉnh chi tiết không kém máy tính, từ ISO, khẩu độ, tốc độ, chụp RAW, phơi sáng… Hay như Ephemeris với khả năng kiểm tra giờ và hướng của mặt trời lặn, ánh sáng… Thậm chí là phiên bản Photoshop dành cho tablet.
6. Với khả năng kết nối mạng Internet tốc độ cao 3G/4G mà đa phần máy ảnh không có, smartphone phục vụ nhu cầu chụp và up ảnh lên các mạng xã hội ngay lập tức.
7. Không chỉ phần mềm mà các phần cứng phục vụ cho chụp ảnh trên smartphone cũng đang được nhiều công ty lớn (đến cả cao cấp như Schneiders Optic hay Rollei) đầu tư và phát triển rầm rộ không kém cho máy ảnh: đèn LED để quay video, microphone rời để thu âm tốt hơn, ống nhòm, ống kính rời, các loại filter, ổ cắm chân máy…
Giao diện phần mềm chụp ảnh mặc định trên chiếc LG G4 cũng đầy đủ không kém trên DSLR. Nếu sử dụng phần mềm của hãng thứ ba có lẽ sẽ còn tận dụng được sức mạnh của nó hơn nữa.
Ngay cả lĩnh vực ảnh stock cũng đang mở rộng đón chào phân khúc điện thoại, những trang ảnh stock dành riêng cho ảnh chụp từ điện thoại như Clashot, Fotolia Instant hay Scoopshot có hàng triệu bức ảnh đủ loại trên máy chủ. Không thiếu những tạp chí hay các kênh truyền hình chấp nhận ảnh chụp từ smartphone.
2015 đương nhiên mới chỉ là giai đoạn quá độ mới của nhiếp ảnh nên sẽ còn nhiều bất cập về tư tưởng và chất lượng, nhưng tôi dự đoán việc chụp ảnh bằng điện thoại sẽ ngày một thoát ra khỏi cái bóng tai tiếng của việc “chụp ảnh tự động, chỉ có bấm và chụp và áp filter” mà trở thành một lĩnh vực độc lập đòi hỏi các kỹ năng và con mắt thẩm mỹ của người chụp. Có thể là thế, hoặc cũng có thể là các loại máy ảnh sẽ ngày một hoàn hảo và thông minh hơn, ngày một nhỏ đi (như một chiếc kính áp tròng!), cảm biến và con chip xử lý ngày càng hiện đại đến mức chụp ảnh không còn là một bộ môn nghệ thuật nữa và phải đi tìm hướng đi mới. Hoặc giả như trí thông minh nhân tạo sẽ có khả năng chụp ảnh như con người. Cấy ghép chip điện tử vào não? Ai biết được? Nhưng cho dù kết cục như nào đi nữa, tôi vẫn luôn hào hứng trước mọi thay đổi và khá lạc quan về số phận của những người chụp ảnh.
Vì nghệ thuật thực sự, chỉ cần một người còn trân trọng nó, sẽ không bao giờ chết.